Bước 1: Lựa chọn nhãn hiệu đăng ký
A. Nhãn hiệu là gì?
Nhãn hiệu, theo định nghĩa của Luật Sở hữu trí tuệ, là dấu hiệu để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân với nhau. Nhãn hiệu phải gắn với sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Nhãn hiệu, trong chừng mực nào đó, không chỉ đơn giản là tên gọi, đó còn là một tài sản. Một nhãn hiệu là đối tượng của sở hữu trí tuệ có thể được mua, bán, hoặc cấp quyền sở hữu. Vì vậy, sau khi có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, nó giống như các tài sản khác. Nhãn hiệu của bạn thậm chí có thể tăng giá trị khi bạn xây dựng và đầu tư cho nó.
B. Tại sao tôi cần phải có nhãn hiệu?
Nếu bắt đầu khởi nghiệp hoặc đang phát triển kinh doanh, doanh nghiệp cần có nhãn hiệu để ngăn người khác bán sản phẩm hoặc dịch vụ dưới tên của bạn – và ngăn ngừa khả năng đánh cắp lợi ích kinh doanh mà bạn xây dựng. Sau khi đăng ký nhãn hiệu, bạn không chỉ ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu mà còn có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại nếu một người nào đó vi phạm về nhãn hiệu của bạn.
C. Tôi nên chọn nhãn hiệu thế nào?
Nhiều chủ doanh nghiệp mắc sai lầm khi cố đăng ký một nhãn hiệu mà dấu hiệu đó “không có khả năng đăng ký”. Cách tốt nhất để tránh vấn đề này là bạn cần chọn một tên cho sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn là duy nhất, có thể đăng ký được. Ví dụ về các dấu hiệu có khả năng phân biệt và phát âm được(ví dụ như Honda cho xe máy) và nhãn hiệu không liên quan tới sản phẩm mà nó đăng ký (ví dụ như Apple cho hàng điện tử)
Ngược lại đối với nhãn hiệu có khả năng đăng ký cao, các nhãn hiệu “yếu” là các nhãn hiệu mang tính mô tả, có sự liên quan hoặc là tên gọi các sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ được đặt tên. Ví dụ, nhãn hiệu “Cửa hàng Phở” cho một cửa hàng bán Phở. Nó sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể đăng ký nhãn hiệu này.
Cách để tăng tỷ lệ thành công cho việc đăng ký nhãn hiệu là nên trao đổi với các Luật sư chuyên về nhãn hiệu trước hoặc trong quá trình lựa chọn của bạn. Một luật sư nhãn hiệu có thể giúp bạn chọn một tên hoặc cung cấp cho bạn một ý kiến pháp lý về một tên bạn đã chọn, do đó làm tăng cơ hội mà thương hiệu của bạn sẽ được chấp nhận đăng ký. Hãy tham khảo danh sách Luật sư được cấp phép hành nghề đại diện sở hữu trí tuệ, chú ý rằng không phải mọi luật sư đều có chứng chỉ hành nghề người đại diện sở hữu công nghiệp.
Bước 2: Tra cứu nhãn hiệu
Sau khi đã lựa chọn nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ của mình, bạn cần biết là có ai đó đã nộp đơn đăng ký dẫn đến xung đột với nhãn hiệu của mình không. Rất có thể rằng ai đó đã nộp đơn hoặc đăng ký với nhãn hiệu tương tự hoặc giống hệt như nhãn hiệu bạn đã chọn.
Hãy cẩn thận: Việc tra cứu miễn phí có thể không cung cấp đầy đủ các thông tin về các nhãn hiệu hiện có thể xung đột với nhãn hiệu đã chọn của bạn. Bạn nên dùng dịch vụ tra cứu của một luật sư về nhãn hiệu, họ không chỉ gửi cho bạn báo cáo về các kết quả tìm thấy mà còn đưa ra những đánh giá tích cực cho những gì liên quan tới khả năng bảo hộ của nhãn hiệu mà bạn định đăng ký.
Bước 3: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
Sau khi bạn và luật sư nhãn hiệu đã chọn nhãn hiệu cho hàng hóa và dịch vụ của mình, tiến hành tra cứu và đánh giá kỹ lưỡng, bạn phải nộp đơn tới Cục sở hữu trí tuệ. Thông tin mà bạn cung cấp trong đơn đăng ký nhãn hiệu rất quan trọng để xác định quyền của bạn cũng như phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu. Hãy hỏi luật sư về các khả năng mở rộng phạm vi này.
Đơn đăng ký nhãn hiệu là tài liệu pháp lý phức tạp và cần được điền đầy đủ theo yêu cầu nghiêm ngặt của Cục sở hữu trí tuệ. Sau khi gửi đơn, các xét nghiệm viên của Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng về hình thức và nội dung xem nó có được chấp nhận hay không.
Dù mẫu đơn đăng ký nhãn hiệu có sẵn trên mạng internet, chúng tôi khuyến cáo rằng bạn cần tham khảo ý kiến luật sư nhãn hiệu trước khi bạn nộp đơn để đảm bảo đơn được điền đúng và phạm vi bảo hộ của bạn là tốt nhất.